Phần mềm quản lý bán hàng| Phần mềm quản lý nhà hàng| Máy in

Số hỗ trợ kỹ thuật 24/24: 0944.772.111 | Số khiếu nại dịch vụ: 0944.773.111
ATO

Tin công nghệ

Trang chủ    Tin tức - Sự kiện    Tin công nghệ

Giữ chân người tiêu dùng và chuyện phát minh lại xe đạp
Cùng là sản phẩm của một DN nhưng bia Laser tung ra mà chưa chuẩn bị được kênh phân phối nên đã thất bại, trong khi nước uống Number One, trà xanh không độ... thì có thể nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường nhờ đã nắm được hệ thống phân phối trong cả nước.
Đó là trải nghiệm thực tế của ông Trần Quý Thanh, TGĐ kiêm Chủ tịch HĐQT công ty Tân Hiệp Phát.

Trong khi đó, theo tiết lộ của Vụ trưởng vụ Hệ thống tài khoản quốc gia Bùi Bá Cường, con số hàng tồn kho năm 2008 lên tới 5% GDP, doanh nghiệp đình đốn do không bán được hàng.

Câu chuyện về thị trường phân phối Việt Nam vẫn chưa có lối đi rõ ràng và thống nhất ở tầm quốc gia, vẫn gây ấn tượng Việt Nam "loay hoay phát minh lại cái xe đạp", như lời ví von của bà Vũ Kim Hạnh, chủ nhiệm chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao.

Không phải chỉ có 2 năm từ khi gia nhập WTO để dành cho chuẩn bị hệ thống phân phối, Việt Nam đã có cả quá trình 10 năm chuẩn bị, tính từ thời điểm 2h ngày 25/7/1999, Việt Nam và Mỹ kết thúc đàm phán BTA với cam kết sau 10 năm Việt Nam sẽ mở cửa thị trường phân phối. 10 năm chuẩn bị, nhưng kết quả của 10 năm ấy lại chưa tới nơi tới chốn, khiến nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cảm thấy "nuối tiếc".

Ảnh: VNN.

Kẻ săn đón, người thờ ơ

Từ nhiều năm trước, nhiều lần Bộ trình đề án phát triển thương mại nội địa và tổ chức thị trường trong nước, trong đó xác định các mô hình phân phối và thúc đẩy hình thành các kênh lưu thông. Đề án được chính phủ phê duyệt nhưng cơ chế để thực hiện đề án thì không được chấp nhận, ông Tuyển nhớ lại.

Theo ông, đó là bằng chứng "thể hiện tư duy kinh tế của Chính phủ lúc đó là không hợp lý. Chúng ta đã có nhiều chính sách ưu đãi các DN đầu tư vào sản xuất nhưng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại thì không. Chúng ta cứ giam mình trong tư duy: sản xuất mới tạo ra của cải, còn thương mại không tạo ra của cải nên không cần ưu đãi..."

Săn đón các nhà đầu tư nước ngoài như Metro, Bic C… đến lập cơ sở phân phối tại địa phương mình nhưng một số lãnh đạo tỉnh lại thờ ơ, không sẵn sàng, thậm chí gây khó khăn khi những DN như Saigoncoop. đến thuê đất để đầu tư, lập trung tâm phân phối.

Nhìn vào hoạt động của Cục Xúc tiến thương mại, chúng ta sẽ chỉ thấy rặt xúc tiến xuất khẩu, trong khi xúc tiến thương mại ở chính thị trường nội địa chưa từng được nêu ra trong nhiệm vụ của Cục này. Đầu tư cho hạ tầng thương mại nội địa hầu như chưa làm gì hết....

"Ông WTO" cho rằng, "tầm nhìn chính trị như vậy là không hợp lý. Muốn nước ta mạnh, phải tạo điều kiện cho các DN Việt Nam mạnh. Muốn DN Việt Nam mạnh trên thị trường quốc tế, trước hết phải tạo điều kiện cho họ mạnh ngay tại thị trường trong nước. DN trong nước mạnh là điều kiện quan trọng để tăng sức mạnh mềm (và cả sức mạnh cứng) của quốc gia, yếu tố quan trọng bảo đảm vị thế của nước ta trong đời sống quốc tế hiện đại".

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển say sưa mô tả đường parabol chuỗi giá trị mà phân phối là một trong những lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao. Ảnh: Bùi Dũng

"Mỗi cán bộ một tháng chỉ 1 lít xăng, thiết lập cửa hàng làm gì!"

DN như bao nhiêu lần khác, tự cứu mình trước khi nhà nước cứu mà Tổng công ty Xăng dầu là một trong những đơn vị tiên phong thiết lập hệ thống phân phối cho riêng mình.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của ông Trương Đình Tuyển, khi ông giữ ghế Tổng Giám đốc, Tcty Xăng dầu miền Bắc đã tận dụng được cơ chế để phát huy thuận lợi là địa chỉ hiếm hoi đã có được hệ thống phân phối rộng khắp là cơ sở để phát triển sau này.

Ông Tuyển quan niệm: "Thương trường và chiến trường có những điểm rất giống nhau. Trong chiến trường, muốn chiến thắng phải giữ dân, giành đất; trong thương trường, DN muốn thắng phải kéo người tiêu dùng về phía mình, chiếm lĩnh thị trường. Hệ thống các cửa hàng, mạng lưới kinh doanh chính là các cứ điểm của người sản xuất và người phân phối trong cuộc chiến giành thị trường. Đó chính là cơ sở làm bàn đạp, điểm tựa cho phân phối phát triển. Không có hệ thống cửa hàng, DN không thể làm phân phối, cho dù sản phẩm tốt, giá thành hợp lý".

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2008, triển khai kế hoạch đầu năm 2009 của ngành Công thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Công thương bên cạnh việc rà soát các quy định, tìm kiếm thị trường để phát triển xuất khẩu... cần coi trọng thị trường trong nước, lấy thị trường nội địa làm điểm tựa để đi lên...

Vì thế, với Tcty Xăng dầu, ông Tuyển "không phải là khuyến khích mà là bắt buộc xây hệ thống cửa hàng, không làm sẽ phạt..."

"Anh em không phải ai cũng hiểu đâu", ông trầm ngâm. Nhiều giám đốc lúc đó bảo nhau: "Ông Tuyển điên thật. Mỗi cán bộ một tháng chỉ một lít xăng, thiết lập cửa hàng thì bán cho ai".

Ông Tuyển nói, "ngay cả Bộ trưởng dù muốn cũng không thể dùng mệnh lệnh hành chính để bắt các DN đầu tư cho hệ thống phân phối".

Với tư cách đại diện chủ sở hữu nhà nước, Bộ trưởng có thể yêu cầu các DN mà Bộ là chủ sở hữu đầu tư phát triển hệ thống phân phối, nhưng việc này lại giới hạn bởi tiềm lực của DN.

Các DN thuộc Bộ Thương mại rất yếu kém về tiềm lực tài chính vì trong quá trình chuyển đổi, các Tổng công ty nội thương và Vật tư cũ vốn quen với cơ chế bao cấp, độc quyền kinh doanh không thay đổi kịp, hầu như đã mất hết vốn.

Không những thế, đất đai kho tàng đã chuyển nhượng hoặc cho thuê đi nhiều. Các DN của Bộ ngoại thương trước đây chỉ làm đại lý nhập khẩu nên không có nhiều tài sản và vốn.

Hơn nữa, nhà nước đã không tạo lập được môi trường cạnh tranh và sự thiếu đồng bộ, hay thay đổi trong chính sách của ta đã không thúc đẩy và buộc DN xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn. Doanh nghiệp thường chạy theo xu hướng kinh doanh “cơ hội”, không quan tâm tới việc xác lập các mối liên kết, hình thành các kênh lưu thông ổn định.

"Chúng ta có thể thiết lập hàng rào về tâm lý, sức mạnh mềm của người tiêu dùng bảo vệ hàng VN trên sân nhà". Ảnh: Bùi Dũng

Loay hoay phát minh lại cái xe đạp

Ngay cả hiện nay, DN Việt Nam chưa mạnh được trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, nhưng tinh thần "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao" vẫn chưa được áp dụng.

Một DN chuyên sản xuất cafe lớn của Việt Nam đã bỏ ra 500 triệu đồng dày công khảo sát các đại lý bán lẻ, phân phối sản phẩm cafe, lập nên bản đồ danh sách các điểm bán lẻ trên toàn quốc hơn khoảng 300 nghìn điểm. Khi một nhóm các DN đặt vấn đề mua lại cơ sở dữ liệu đó, để các DN cùng sử dụng chung kênh phân phối có thể sử dụng và tận dụng nó để bán hàng thì đã nhận được lời từ chối. Lãnh đạo DN này nói đó là tài sản của công ty, không thể bán.

Bà Kim Hạnh trăn trở, lời từ chối đó đồng nghĩa với hàng hoạt DN lại tiếp tục điều tra, khảo sát, nghiên cứu cũng chừng ấy điểm để tạo ra một sản phẩm tương tự: bản đồ đại lý bán lẻ. Điều đó chẳng khác nào chúng ta cứ mãi loay hoay phát minh lại cái xe đạp dù nó đã có từ lâu!

Không có được bản đồ hệ thống điểm bán đó, việc đáp ứng 3 yêu cầu cơ bản của người tiêu dùng: đúng sản phẩm, đúng thời gian và đúng địa điểm trở nên không tưởng.

Tại sao các DN lại không bắt tay cùng nhau góp vốn, góp sức để lập ra bản đồ các đại lý đó để cùng tận dụng? Hơn nữa, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đáng ra cơ quan nhà nước phải lập được danh sách đó, để quản lý và cung cấp thông tin cho DN - bà Kim Hạnh nêu vấn đề.

Nhà nước phải xắn tay vào làm, không thể để DN mãi "tự cứu" được. Cũng giống như với việc bao lâu chúng ta hô hào, khuyến khích "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam"  nhưng người tiêu dùng lớn nhất chính là nhà nước ở tất cả các cấp đã bao nhiêu phần dùng hàng Việt?

tuanvietnam
    Bookmark and Share
Hỗ trợ

Tp.Hà Nội         024 7300 6077
Tp.Hồ Chí Minh   028 7300 6077 
Tư vấn phần mềm

Tư vấn thiết bị

Mr. Huỳnh - ext: 101
0942 85 80 88
Ms Hương Giang- ext: 203
0928 58 88 18
Tư vấn thiết bị

Tư vấn phần mềm

Mr. Chuyên - ext: 802
0928 58 08 08
Ms Ngọc Hòa- ext: 801
0928 58 58 08